Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Đức Giêsu đáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. (Ga 14,23)
Suy niệm: 
Làm Kitô hữu là được gia nhập gia đình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi Ngôi Thiên Chúa đều yêu thương và chăm sóc chúng ta. Đó là một vinh dự và là một hạnh phúc to lớn. Cám ơn Chúa. Thái độ đối xử đúng nhất của Kitô hữu với Ba Ngôi Thiên Chúa là “nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ”, vì thế tỏ ra mình yêu mến Thiên Chúa, và được Ngài yêu mến, tỏ mình ra và ở trong ta.
Trong cuốn sách the living stone có một câu chuyện như sau: Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thần khả kính. Ngày vị thần sắp lìa trần, ông gọi Jonathan về để gặp lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối của ông chỉ vỏn vẹn có mấy chữ “Hãy hành động vì lòng yêu mến”.
Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu không đòi hỏi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính…Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người mình yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người mình yêu, chứ không dừng lại ở những rung động ở thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình.
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy”. Mỗi lần, bạn ấy xin cha mẹ đi chơi, chúng tôi đều cười nhạo: “Lớn rồi mà còn xin với xỏ. Mình trưởng thành rồi, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm tuỳ ý”. Bạn ấy đã giải thích một cách đơn sơ nhưng hợp lý hợp tình: “Hẳn ba má không cần tôi xin, nhưng chắc chắn ba má tôi rất vui khi tôi xin phép như vậy. Tôi làm thế để được làm con và làm con thảo của ba mẹ tôi”.
Hẳn Chúa cũng rất vui khi tôi quan tâm lắng nghe và tuân giữ lời Ngài, để Ngài có thể đưa tôi vào sự hiệp thông tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. 
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng con là sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng con. Có Chúa cùng đồng hành chúng con sẽ an vui và quên hết ưu phiền. Đó chính là hồng ân cao quý mà Chúa đã dành cho chúng con. Ôi! Còn gì hạnh phúc và êm đềm hơn khi có Chúa cùng đi với chúng con qua những thăng trầm của cuộc đời. Ôi! Còn gì vui sướng khi có Chúa là thành luỹ che chở cuộc đời chúng con. Chúng con xin hết lòng tạ ơn và ngợi khen tình yêu mà Chúa đã dành cho chúng con. Xin cho chúng con đừng bao giờ đánh mất Chúa là cùng đích cuộc đời chỉ vì những vinh hoa phú quý trần gian. Xin giúp chúng con biết sống kết hợp với Chúa như cành liền cây để sự sống, ân sủng và Lời của Chúa mãi tuôn trào trong cuộc sống chúng con. 
 
Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. (Ga 14,12)
 
 
 
 
Suy niệm: 
Bài Tin Mừng hôm nay được thánh Gioan ghi lại những lời của Chúa Giêsu trước khi Ngài đi chịu chết, có thể nói đó là những lời cuối cùng của Chúa Giêsu, hay còn gọi là "Chúc Thư" của Ngài để lại cho các tông đồ. Qua đó Chúa Giêsu cũng tiên báo về cuộc sống sau này mà các tông đồ phải làm chứng cho Chúa.
Phần mở đầu của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khuyên các tông đồ như sau: "Các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy". Sự lo lắng, xao xuyến, mất lòng tin vào Thiên Chúa, mất lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô phải chăng đó là đặc điểm của con người trong xã hội ngày nay.
Chính vì thế, khi khởi đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã lên tiếng mời gọi mọi người: "Đừng sợ! Đừng sợ! Hãy mở cửa tâm hồn đón nhận Chúa Kitô, đón nhận Thiên Chúa”. Lời "Đừng sợ" này đã được Đức Thánh Cha luôn luôn nhắc đi nhắc lại trong các dịp khác nhau để kêu gọi tất cả mọi đồ đệ của Chúa và tất cả mọi người có thành tâm thiện chí đang đứng trước những khó khăn thử thách "Đừng sợ, đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin vào Thầy", Đó là những lời trấn an của Chúa Giêsu đối với các tông đồ. Thật thế, trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu, các tông đồ không thể nào tránh khỏi những khó khăn thử thách xảy đến trong cuộc sống. Bởi vì, Chúa Giêsu không còn hiện diện bên cạnh một cách hữu hình với các ngài, có thể nói được là để giúp đỡ các ngài vượt qua được những thử thách, những khó khăn.
Về phần Chúa Giêsu, sau khi Phục Sinh, Ngài phải trở về cùng Thiên Chúa Cha. Do đó, tất cả các tông đồ cũng như tất cả các đồ đệ của Chúa, trong đó có cả chúng ta ngày nay nữa, chỉ còn bằng lòng với sự hiện diện thiêng liêng của Chúa, sự hiện diện của Ngài trong Bí tích Thánh Thể, sự hiện diện này không thể kiểm chứng được bằng giác quan.
Nhưng Chúa Giêsu, Ngài thấy trước hoàn cảnh này, nên Ngài đã kêu gọi các tông đồ cũng như mỗi người chúng ta hôm nay: "Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy". Vì thế người Kitô hữu phải là người can đảm nhất, không sợ một chướng ngại gì, vì có Chúa ở cùng. Bởi thế, đức tin mạnh mẽ sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách, giúp chúng ta đi tới cùng và luôn giữ vững niềm vui không những trong tâm hồn mà được thể hiện ra bên ngoài. Đó là niềm vui của những người Kitô hữu đầu tiên trong thời sơ khai.
Vào năm 165 (sau Chúa Giáng Sinh) cuộc bách hại đạo chống lại người Kitô hữu đã bùng nổ lại Rôma, đây là cuộc bách hại lần thứ tư. Thánh Pôlycapô lúc đó là Giám mục, thủ lãnh cộng đoàn Kitô và là đồ đệ của các tông đồ nhất định không chịu lẩn trốn mà còn hiên ngang đến trình diện trước mặt quan tổng trấn. Quan bắt ngài phải thề trung thành với hoàng đế Xêsarê và nói lời xúc phạm chối Đức Kitô để được tha về. Nhưng thánh nhân đã trả lời: "Tôi đã theo phục vụ Chúa từ bao năm nay, Chúa đã không làm gì hại tôi cả, làm sao tôi có thể nói lời xúc phạm đến Ngài là Vua và là Chúa của tôi được". Sau nhiều tần hăm dọa để bắt thánh nhân phải chối bỏ Chúa mà không được, quan ra lệnh đem lửa đến thiêu sống người. Thánh Pôlycapô vẫn không sợ và nói: "Lửa trần gian này có thể đốt tôi trong vòng một giờ rồi tắt, nhưng lửa thiêu đốt những lời nói xúc phạm đến Thiên Chúa thì sẽ không bao giờ tắt. Tôi không sợ và không chối bỏ Chúa". Quan ra lệnh thêm lửa thiêu sống Pôlycapô, nhưng lửa lại cuộn lại thành hình vòng cung bao bọc thánh nhân mà không hề xúc phạm đến thân xác người. Trước dấu lạ như vậy quan vẫn không nao núng, nhưng vẫn ngoan cố muốn giết cho được thánh nhân. Một người trong những tên lính đứng gần đó cầm gươm đâm thẳng vào ngực thánh Pôlycapo, và ngài đã chết để làm chứng cho Chúa, ngài đã chết trong vui tươi và không lo sợ.
Mỗi người Kitô hữu chúng ta ngày nay chắc chắn không gặp trường hợp giống như trường hợp của thánh Giám mục Pôlycapô là đòi buộc phải hy sinh mạng sống mình vì Chúa. Nhưng có thể trong cuộc sống hằng ngày của mình có những hoàn cảnh, có những điều phải hy sinh, có những điều buộc ta phải chấp nhận những thiệt thòi để được trung thành với Phúc âm và trung thành với Chúa. Nhưng chúng ta sẽ vui tươi không lo sợ, vì biết rằng cuộc đời của chúng ta bắt đầu từ Chúa và cũng sẽ trở về cùng Chúa, như lời Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: "Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ... Thầy đi để dọn chỗ cho các và khi Thầy đã dọn chỗ xong rồi thì Thầy trở lại đón tiếp các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy".
Vậy vận mệnh cuối cùng của cuộc đời chúng ta là ở nơi nhà Cha, cho nên chúng ta không còn phải lo sợ trước những thử thách, trước những gian nan xảy đến, vì chúng ta biết rằng tất cả những thử thách ấy đều giúp cho mỗi người có dịp thuận tiện để hành trình trở về nhà Cha. Do đó, người Kitô hữu phải là người luôn vui vẻ, vì Thiên Chúa là Chủ Tể mọi vật trong vũ trụ luôn ở với chúng ta và đứng về phía chúng ta. Hơn nữa, Ngài có thể dùng quyền năng của Ngài để biến đổi những thử thách, những nỗi buồn của chúng ta trở thành niềm vui và là niềm vui đời đời.










Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. (Ga 14,9)

Suy niệm: 
Được biết Thiên Chúa và được thấy Ngài, đó là ước muốn rất chính đáng và rất sâu xa của mọi tín hữu. Chúa Giêsu đáp ứng ước vọng đó: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy”. Nhìn Chúa Giêsu ta có thể biết Chúa Cha như thế nào: Nhân từ, hiền hậu, gần gũi với những người đau khổ, khoan dung với những kẽ tội lỗi…Thiên Chúa mà chúng ta thờ là như thế đó.
“Ai tin vào Thầy người ấy sẽ làm được những việc Thầy làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”. Chúa Giêsu nói đến sức mạnh và năng lực kì diệu Ngài sẽ ban cho kẻ tin vào Ngài. Các vị Thánh đã tin và đã làm được những phép lạ như Chúa Giêsu. Tôi có tin không? “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra như Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình”. (Ga14,10).
Một vị vua nọ có lần nẩy ra ý nghĩ táo bạo : ông cho triệu mời các lãnh đạo tôn giáo đến và ra lệnh trong một tuần phải làm thế nào cho ông thấy được Thiên Chúa, nếu không sẽ bị chém đầu. Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa: làm thế nào có thể thoả mãn được một ước muốn càn gở như thế. Biết được nỗi lo âu của các nhà lãnh đạo, một kẻ chăn chiên đến xin được làm công việc đó. Buổi sáng nọ, kẻ chăn chiên dẫn nhà vua đến đồng cỏ nơi anh thường chăn súc vật. Họ đi bộ, chứ không dùng xe, khi tới nơi, mặt trời đã gần đỉnh ngọ. Kẻ chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và xin nhà vua nhìn. Vua nổi giận bảo anh muốn làm mù đôi mắt của ông hay sao. Bấy giờ kẻ chăn chiên mới quì xuống trước mặt vua và thưa: "Tâu bệ hạ, chỉ một vật do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng mà ánh quang của nó rực rỡ đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy Thiên Chúa được". Chính lúc ấy, nhà vua đã nhìn thấy Thiên Chúa không phải bằng đôi mắt, nhưng bằng niềm tin.
Trong tin mừng hôm nay, Philipphê, một trong nhóm mười hai đã xin Chúa Giêsu tỏ cho thấy Thiên Chúa Cha. Chắc hẳn khi nói điều đó Philipphê đã liên tưởng đến hình ảnh một Thiên Chúa quyền năng đã tỏ vinh quang Ngài trên núi Sinai, một Thiên Chúa mà Môsê chỉ được thấy phía sau lưng Ngài. Tâm trạng của Philipphê cũng là tâm trạng của rất nhiều người trong chúng ta, đó là một niềm tin đòi hỏi sự lạ. Bởi thế, không ít người sẵn sàng hao tốn tiền bạc và thời giờ để để tìm đến những nơi xẩy ra sự lạ, đối với họ, một lần hành hương có ý nghĩa và giá trị cho cả cuộc đời.
Đáp lại yêu cầu Philipphê, Chúa Giêsu đã đưa ra một khẳng định và một câu hỏi: trước hết Ngài nêu lên một chân lý: "Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy", đó là một thực tại đã quá hiển nhiên: câu hỏi tiếp sau đó như một nhắc nhở cho Philipphê : Hãy nhìn lại cuộc sống thân tình giữa Thầy và các môn đệ. Những lời Thầy nói, những việc Thầy làm, không phải là của Thầy, mà là của Thiên Chúa Cha ở trong Thầy. Sự thân tình quen thuộc đã khiến cho các môn đệ không nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với Philipphê cũng là lời nhắc nhở chúng ta: đừng để những nét quen thuộc bên ngoài che mất thực tại bên trong. Tìm kiếm Thiên Chúa là điều tốt, nhưng thật đáng trách khi đứng trước mặt Ngài mà chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta nôn nao tìm dấu lạ, nhưng dấu lạ xẩy ra trước mắt mà chẳng nhìn thấy: hằng ngày qua lời truyền phép, Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ, nhưng đã thấy khi chúng ta tỏ thái độ cung kính tin nhận Ngài ? Trong cuộc sống biết bao lời cầu xin được dâng lên Thiên Chúa nhưng đã mấy lần chúng ta phản tỉnh để nhận ra ơn lành Ngài ban.
Ước gì chúng ta giữ mãi thái độ tìm kiếm, một sự tìm kiếm không ở đâu xa, nhưng trong chính cuộc sống quen thuộc hằng ngày. Đập vỡ chiếc vỏ quen thuộc bằng cách ngạc nhiên đặt câu hỏi, chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, chúng con biết Chúa là Đấng nhân từ, giàu lòng thương xót và rất từ bi. Chúa luôn gần gũi với những người khổ đau nghèo đói. Chúa luôn đối xử khoan dung với những ai lầm lỡ. Chúa đã tỏ cho chúng con thấy một tình yêu thuỷ chung và sắt son của Chúa. Chúa đã yêu chúng con và yêu cho đến cùng. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa tình yêu thương để chúng con cũng đối xử nhân ái bao dung với nhau. Xin giúp chúng con biết hoạ lại dung nhan hiền hậu của Chúa giữa cuộc sống còn đầy hận thù, bất công, đang cạn kiệt lòng nhân ái bao dung.
Lạy Chúa, Chúa đã từng nói: “ai thấy Thầy là thấy Cha”. Xin cho đời sống chúng con cũng phản ánh hình ảnh yêu thương của Chúa cho thế giới hôm nay. Amen
Thứ Sáu sau Chúa Nhật IV Phục Sinh x
Lời Chúa: 
Ga 14,1-6
1Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. 2Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 3Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. 4Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi." 5Ông Tôma nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? " 6Đức Giêsu đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” 


Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (Ga 14,6)


Suy niệm: 
Khi chơi trò tìm đường dẫn đến một địa điểm được yêu cầu thì người tham dự thường lúng túng, vì có quá nhiều đường vẽ dẫn tới nơi. Nhưng nếu tinh vi quan sát một chút, ta sẽ thấy việc tìm kiếm dễ như trở bàn tay. Đó là thay vì với nhiều điểm bắt đầu, với nhiều ngã rẽ, ta sẽ bắt đầu từ nơi đến rồi bắt đầu đi ngược lại ta sẽ dễ dàng tìm ra con đường tới nơi đến. Như vậy, điều cần thiết không phải chỉ là biết mà còn là biết nơi mình đến, cần biết nơi mình đến trước khi mình đi, ta sẽ đi đến đích nhanh hơn.
Thánh Tôma hỏi Chúa Giêsu, thì Ngài lý luận theo cùng một nguyên tắc như trên, nhưng ở đây trường hợp mà Thánh Tôma đặt ra coi như là không còn cần thiết nữa, nếu con người tìm được mối liên lạc với con đường đi là chính “Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6). Chúa Giêsu đã mạc khải cho người đồ đệ của Ngài biết nơi phải đến và con đường dẫn đến, đó là chính Ngài “Thầy là Đường là Sự Thật và là Sự Sống”. Vậy điều quan trọng nhất là sống theo Ngài, sống kết hợp với Ngài, đừng rời xa Ngài, nhất là khi gặp gian nan thử thách, vì Chúa đã cảnh tỉnh trước cho các môn đệ : “Hãy tin ở Thiên Chúa và hãy tin ở Ngài” (Ga 14, 1).
Đường về quê trời có nhiều thử thách, nhưng người đồ đệ có thể vượt qua dễ dàng nếu biết để Chúa hướng dẫn, để Chúa đưa mình tới nơi Ngài muốn. Bí quyết căn bản của người Kitô hữu là để Chúa được tự do dẫn đưa mình đi và chính họ phải biết cộng tác với Chúa, tức là để Chúa Giêsu chiếm hữu mình như các tông đồ xưa. Thánh Phaolô đã bộc lộ tinh thần sống và bí quyết đó là : “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Ước chi cuộc đời tôi đang sống, tôi muốn có được một niềm tin hoàn toàn vào Đấng đã yêu thương tôi và trao nộp chính mình cho tôi.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, Chúa đã chỉ cho con biết đường về Quê Trời, đường dẫn con tới đường phúc thật và chỉ có một điều cần, đó là sự cộng tác của con với ơn Chúa. Cần tin tưởng vào Chúa, để Chúa hướng dẫn cuộc sống mình, chúng con tự phụ ỷ lại vào sức riêng mình thì chúng con sẽ làm hư hoại chương trình của Chúa. Xin Chúa cho chúng con thay đổi tâm thức, thay đổi con tim để chúng con mỗi ngày trở nên vâng phục, cộng tác tích cực vào sự hướng dẫn của Chúa. Amen.

Thứ Năm sau Chúa Nhật IV Phục Sinh
Lời Chúa: 
Ga 13,16-20
16Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. 17Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! 18Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. 20Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.

Suy niệm: 
Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài đển thế gian để giảng dạy cho mọi người con đường cứu rỗi, và khi đã hoàn tất sứ mệnh của Ngài trên trần gian này, Chúa Giêsu sai các môn đệ Ngài đi loan báo Tin mừng cứu rỗi cho mọi tạo vật. Sự chính thống đó được Chúa Giêsu quả quyết như chúng ta có thể đọc thấy trong Tin mừng hôm nay : "Thầy bảo thật các con, ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy".
Trong văn mạch của Phúc âm, trước khi nói những lời trên, Chúa Giêsu đã làm gương cho các Tông đồ của Ngài : Ngài rửa chân họ và sau đó khi trở lại bàn ăn, Ngài nói với họ : "Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai không trọng hơn kẻ đã sai mình". Thật là đơn giản, nhưng là một sự đơn giản đòi hỏi : đời sống truyền giáo của Giáo hội phải rập khuôn với cuộc đời của Chúa Giêsu, với tấm gương Ngài đã sống và đã giảng dạy. Giáo Hội phải biết phục vụ trong khiêm tốn, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa.
Là những người đã lãnh nhận Bí tích rửa tội, chúng ta đều là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu bằng đời sống yêu thương và Phục vụ, trở nên muối và ánh sáng cho thế gian.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, năm xưa Chúa đã buồn vì Giuđa phản bội. Chúa đã buồn vì Giuđa từng ngồi chung bàn, đi chung đường với Chúa nhưng lại nuôi giã tâm phản bội Chúa. Ngày nay, có lẽ Chúa cũng buồn khi chúng con rước Chúa cách bất xứng. Chúa sẽ tiếp tục buồn khi chúng con rước Chúa nhưng không dám sống theo lời Chúa. Chúa sẽ càng buồn hơn khi chúng con rước Chúa mà lòng vẫn nuôi dưỡng những hận thù, ghen ghét, những tư tương xấu, cùng những đam mê thấp hèn.
Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin Mình và Máu Thánh Chúa hàn gắn lại những thương tích do tội lỗi gây ra trong tâm hồn chúng con. Xin Thánh Thể Chúa nâng đỡ những yếu đuối của tâm hồn chúng con. Xin giúp chúng con biết sửa đổi bản thân khỏi những ham muốn tội lỗi, những thói đời sa đoạ đang làm băng hoại cuộc đời chúng con. Xin giúp chúng con biết nuôi dưỡng như tư tưởng thanh cao. Xin giúp chúng con luôn mang trong mình tâm tình hoà bình hơn là nuôi dưỡng những ghen ghét, hận thù. Xin đừng để chúng con quay lưng lại với Chúa vì những đam mê thấp hèn.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết dọn mình cho xứng đáng đón rước Chúa mỗi ngày. Xin giúp chúng con biết siêng năng kết hợp với Chúa qua bí tích Thánh Thể, để nhờ ơn Chúa, chúng con kiện toàn con người mình mỗi ngày được trở nên giống Chúa hơn. Amen