Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Anh em không thể vừa làm tôi
Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền
Của được (Lc 16,13)

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011






Nhưng Cha đã mặc khải cho những người bé mọn (Mt 11,25)

Chuyện người nhặt xác hài nhi

Gần 10 năm nay, có một bà cụ đã bước sang tuổi 73 vẫn ngày ngày lặn lội khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi đem về chôn cất. Đó là bà Phạm Thị Cường, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng - Nam Định.

Bà bộc bạch: “Hãy yêu thương những linh hồn bé nhỏ bị bỏ rơi kể cả khi chúng đã qua đời, bởi những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian”.


Không thể kìm lòng

Ở làng quê nghèo ven biển xã Nghĩa Thắng, không ai còn lạ với hình ảnh một người đàn bà đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ngày ngày âm thầm đi gom nhặt thi hài những đứa trẻ khắp nơi về chôn cất.

Trên đường về Nghĩa Thắng, khi hỏi thăm nhà bà Cường, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về bà qua những nông dân ở vùng quê này. Ở nơi đây, mọi người vẫn trìu mến gọi bà là bà Hương “hài nhi”, có lẽ một phần cũng do những công việc mà bà đã và đang làm.

Bà Cường năm nay đã 73 tuổi. Đó là một bà cụ hiền lành, phúc hậu. Đã gần 10 năm nay, không quản ngày nắng cháy da cháy thịt hay đêm đông lạnh giá, bà vẫn lặn lội khắp mọi ngả đường của huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là khu vực thị trấn Đông Bình, để nhặt các hài nhi xấu số bị phá bỏ về chôn cất.

Cuộc sống của bà Cường chỉ trông vào gánh bán rau quả và những đồ tạp hóa ở khu chợ Đông Bình. Nơi đây có một số cơ sở nạo phá, hút thai nhi. Mỗi ngày có hàng trăm ca nạo phá thai đã diễn ra, một phần công khai còn chủ yếu là bí mật, cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hài nhi bị vứt bỏ.

Trong câu chuyện với bà Cường, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng thở dài của người phụ nữ đã ở tuổi gần hết cuộc đời về những chuyện lắt léo nhân tình thế thái của cuộc sống.

Bà nói như oán trách: “Cuộc sống ngày càng phát triển thì nhiều người sống càng buông thả hơn. Ngày càng nhiều các cô gái đến các phòng khám ở Đông Bình để phá thai cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều đứa trẻ vô tội phải đi theo những vết kéo oan nghiệt. Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng, càng thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà cha mẹ chúng đã gây ra. Đáng trách quá!”.

Bị cười chê là… khùng!

Gần 10 năm nay, họ đã tìm nhặt và an táng hơn 3.000 sinh linh bé bỏng.

Cuộc sống như một định mệnh mà ở đó luôn thường trực cơ duyên của những tấm lòng nhân ái. Tưởng chừng như chỉ có mình bà Cường đi làm công việc “kỳ khôi” là gom nhặt và an táng cho những linh hồn bé nhỏ nhưng bà lại gặp được người bạn cùng chí hướng.

Đó là ông Vũ Văn Bao, người cùng thôn, cũng âm thầm làm công việc tạo phúc đức như bà. Hai con người, hai số phận nhưng họ có chung một tấm lòng nhân ái với những số phận bất hạnh. Họ gặp nhau rồi ngày ngày lại cùng nhau thực hiện một công việc chung, một ơn nghĩa để đời.

Từ đó đến nay, ngày ngày người dân xã Nghĩa Thắng thường gặp cảnh hai người đều đã ở tuổi xưa nay hiếm lóc cóc trên những chiếc xe đạp cà tàng, đạp hàng chục cây số. Họ rong ruổi trên những nẻo đường, tìm bới trên từng bãi rác, thậm chí đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để… xin thi hài về chôn cất.

Bà Phạm Thị Cường thắp nhang cho những hài nhi xấu số

Những hài nhi nhặt về, bà Cường cùng với ông Bao tỉ mẫn cho vào những bát hương hoặc tiểu sành nhỏ. Bà Cường tâm sự: “Những ngày đầu, tôi thường bị người đời cười chê cho là khùng nhưng dần dần, họ hiểu nên cũng có vài người đi làm cùng”.

Nhiều lúc bà Cường cũng nản khi có quá nhiều đứa bé bị nạo hút như vậy. Nhiều lúc bà định dừng công việc này nhưng lại nghĩ đến những đứa trẻ bơ vơ, sống không thấy mặt cha mẹ, chưa kịp chào đời đã bị bỏ rơi.

Bà lại thấy mình không thể đứng nhìn được, phải làm việc gì sao cho có ích. “Vì vậy, tôi không kể gì là gian khổ, mưa nắng hay ngày đêm, lúc nào nghe tin ở đâu đó có thi hài bị bỏ rơi là lại tìm đến để xin về mai táng”- bà Cường cho biết.

Nghĩa trang Quần Vinh trong một chiều mùa hạ, bà Cường lặng lẽ thắp những nén nhang thơm lên phần mộ của những hài nhi xấu số. Rồi bà nói trong tiếng nấc: “Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén nhang thơm, mong các con được an nghỉ”.

Bà Cường với công việc bán tạp hóa mưu sinh hằng ngày


Bên ngôi mộ chung được xây dựng khá kiên cố và sạch sẽ, bà cho biết nó được một nhà hảo tâm trong TPHCM gửi tiền ra để xây cho các cháu. “Gần chục năm nay, chúng tôi đã an táng cho hơn 3.000 sinh linh bé bỏng tại nơi này”- bà não nề.

Nhìn những bát hương bên trên có gắn xi măng và được đánh dấu rất chi tiết, mà theo bà Cường mỗi bát hương đó là một đứa trẻ, tôi không khỏi chạnh lòng suy nghĩ. Một địa phương nhỏ như Nghĩa Hưng mà gần chục năm đã có hàng ngàn em bé bị bỏ rơi và chết đi khi chưa kịp chào đời! Đó quả thực là con số quá đau lòng.

Càng thương các cháu nhỏ bao nhiêu, tôi lại càng khâm phục những con người như bà Cường và ông Bao bấy nhiêu. Những việc họ làm không chỉ mang ý nghĩa nhân ái mà đó là hành động cao cả trong cuộc chiến bảo vệ quyền sống của con người, giúp chúng ta nhận ra một thực tại đau lòng, ngẫm về việc sống buông thả của một bộ phận giới trẻ hiện nay đã để lại những hậu quả đau lòng.

Cầu mong… thất nghiệp

Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân lại già yếu nhưng lúc nào bà Cường cũng hiển hiện niềm tin cuộc sống và tình thương yêu con người.

Tâm sự với chúng tôi, bà Cường không mong ước điều gì ngoài việc mình được… thất nghiệp. Bà mong sẽ không còn phải ngày ngày đi làm công việc thu gom xác hài nhi đầy đau đớn này nữa.

Tuy vậy, bà Cường vẫn khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào còn sức khỏe. Tôi sẽ tiếp tục đi thu gom những hài nhi xấu số về chôn cất, bởi theo tâm niệm của tôi, những đứa trẻ tội nghiệp đó đã quá bất hạnh. Tôi quyết không để các cháu cô đơn mặc dù đã rời trần thế”.

Chúng tôi rời nghĩa trang Quần Vinh khi mặt trời đã tắt. Nhìn những ngôi mộ của các sinh linh bé nhỏ, chúng tôi biết các cháu đã có giấc ngủ yên bình bởi các cháu được những người dù không trực tiếp sinh thành nhưng luôn làm tất cả để bảo vệ giấc ngủ bình yên cho mình ở nơi vĩnh hằng.

Ngày mới sẽ đến, hy vọng sẽ không còn cảnh những bào thai bị vứt bỏ nữa để những người như bà Cường hay ông Bao sẽ được nghỉ ngơi và xã hội sẽ không còn những cảnh đau lòng.

Ám ảnh


Bà Cường vừa rót nước trà mời khách vừa tâm sự về “cơ duyên” dẫn mình đến cái nghiệp làm phúc này. Bà cho biết vẫn nhớ như in ngày 8-3-2002. Trên đường đến chợ Đông Bình để bán rau, khi đi đến cầu Đông Bình, bà Cường thấy có một túi ni lông màu đen, ruồi muỗi bám đen.

“Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là túi rác của gia đình nào đó ném ra đây. Nhưng rồi đi được một đoạn, tự dưng trong người tôi như có lửa đốt, cứ bồn chồn chẳng yên, đặc biệt là hình ảnh chiếc túi màu đen cứ như ngay trước mắt mình. Đứng lại suy nghĩ một lúc, tôi quyết định quay lại xem bên trong túi bóng đó chứa thứ gì”- bà Cường nhớ lại.

Bà Cường bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở, thân thể bị kiến bu đầy nhưng đôi mắt bé mở to nhìn bà chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin.

“Tôi đem đứa bé về nhà, lau rửa sạch sẽ rồi đi xin sữa cho cháu bú nhưng cũng chỉ được ít phút sau, cháu đã tắt thở. Tôi cứ bị ám ảnh mãi ánh mắt của cháu, cứ đau đáu nhìn tôi. Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định phải làm một việc gì đó chứ không thể để những cảnh thai nhi bị người ta bỏ đi mà không hề được chôn cất”- bà Cường tâm sự.

Bài và ảnh: Khánh Linh

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011



Phần anh, hãy theo Thầy. (Ga 21, 22)




 
 
Thứ Bảy sau Chúa Nhật VII Phục Sinh
Lời Chúa: 
Ga 21,20-25
20Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy? " 21Vậy khi thấy người đó, ông Phêrô nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, còn anh này thì sao? " 22Đức Giêsu đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy." 23Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: "Anh ấy sẽ không chết", mà chỉ nói: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? " 24Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. 25Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

Suy niệm: 
Một người đi trên đường gặp một người khác đi về phía mình, điều lạ là trên tay người ấy sách một thùng nước, tay kia cầm một bó đuốc cháy sáng. Người nọ hiếu kỳ hỏi người ấy là ai? Tại sao trong tay lại có bó đuốc và thùng nước?
Người kia trả lời: “Ta là thiên thần”, ta định lấy thùng nước này dập tắt lửa địa ngục, còn đuốc này ta đốt hết nhà cửa tốt đẹp.
Dập tắt lửa địa ngục con có thể hiểu được, nhưng thiêu hủy thiên đàng thì vô lý?
Thiên thần nói: "Ta muốn thử xem loài người có ai yêu mến Chúa, vì giữ luật Chúa hay chỉ vì sợ địa ngục mà muốn được thiên đàng” .
Bài Phúc âm cho chúng ta thấy tình yêu chân thật, trong trắng vô điều kiện và vô vị lợi giữa Chúa Giêsu và môn đệ Gioan, đây là mẫu gương tin tưởng tốt đẹp mà chúng ta nên bắt chước. Đoạn Phúc âm nói môn đệ là người được Chúa Gỉêsu yêu mến và là người dựa vào ngực Chúa Giêsu trong bữa ăn tối. Vị môn đệ ấy là Gioan, anh em Giacôbê con của Giêbêđê , là người môn đệ đứng dưới chân Thánh giá và Chúa Giêsu đã trối lại Mẹ mình cho người lo lắng. Khi Chúa chết thì Gioan và Đức Mẹ về ở tại Êphêsô.
Gioan chết lúc 90 tuổi. ông là vị Tông đồ duy nhất trong các Tông đồ đã chết vì bệnh già , chứ không chết vì tử đạo như các Tông đồ khác. Gioan là Tông đồ và là thánh sử nổi tiếng viết về Tình Yêu Thiên Chúa. Người viết bằng kinh nghiệm chính bản thân mình, vì người là bạn chí thân của Chúa Giêsu, người yêu Chúa và cũng được Chúa yêu đặc biệt.
Đây là bài học cho ta về lòng yêu Chúa và yêu tha nhân. Người ta đặt câu hỏi: Tại sao Chúa Ciêsu là Thiên Chúa mà lại cũng yêu một Tông đồ hơn những Tông đồ khác? Ở đây, Chúa Giêsu đã tỏ ra mình là một con người giống như mọi người khác, chỉ trừ tội lỗi, nên cũng có những tâm tình như mọi người khác. Điều đó không có gì trái ngược với Tin Mừng cứu độ mà Người rao giảng. Người ta cũng có thể biện bác rằng tình thương cũng có thể trải rộng cho hết mọi người. Điều đó trên thực tế đúng nguyên tắc, nhưng làm thế nào để yêu thương mọi người trong thực tế, kể từ những người giàu có, những người gặp hằng ngày rồi những người gặp trong hoàn cảnh đặc biệt, những con người bằng xương bằng thịt, chứ không phải nhân loại nói chung chung.
Muốn học biết yêu thương thì hãy yêu thương từng người trong gia đình, dần dần ra những người bạn thân, rồi lan rộng đến mọi người. Nếu muốn khởi sự yêu thương từ những người xa ta hơn hết, đó chẳng qua chỉ là ý tưởng mơ hồ, mông lung, hay như những người nói rằng mình yêu thương nhân loại nhưng lại không chịu đựng được những người xung quanh mình. Yêu thương mọi người là sẵn sàng yêu thương những người mình gặp gỡ. Kế đến, muốn yêu thương cũng cần tập dượt cho có thói quen và cần thực tập với những người thân quen và quen biết thân cận, tập chấp nhận những cái hay cái dở của họ, dù nó có ngược với sở thích và ước muốn của ta, tập chấp nhận những phiền toái họ gây nên và sẵn sàng tha thứ, dù phải tha thứ nhiều lần. Chính trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống thường nhật như vậy mà ta học biết yêu thương và làm cho tình thương triển nở.
Bài Phúc âm còn dạy chúng ta về một thái độ phải có khi làm việc Tông đồ. Phêrô bận tâm về Gioan nên thắc mắc hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?”. Lắm khi chúng ta không lo tìm hiểu xem mình cần làm gì? Ý Chúa muốn mình làm gì? Mà chỉ lo xem người khác làm gì rồi so sánh làm theo hay làm ngược lại. Chúng ta có tài sản, thời giờ, khả năng thì hãy đóng góp vào việc Chúa hết sức mình, không cần gì ngó trước nhìn sau để so bì với người khác, như lời Chúa nói “phần con, con hãy theo Thầy”.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa hằng mong muốn chúng con trở nên bạn nghĩa thiết của Chúa. Chúa muốn chúng con được ở lại trong tình yêu của Chúa. Chúa muốn hoà nhịp vào cuộc đời chúng con để chia sẻ những lắng lo của kiếp người. Chúng con xin dâng cuộc đời cho Chúa. Chúng con xin tín thác cuộc đời cho lòng thương xót Chúa như môn đệ Gioan tựa sát bên lòng Chúa.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, môn đệ Gioan thật diễm phúc được tựa sát bên lòng Chúa để nghe nhịp đập yêu thương của Chúa. Ông đã cảm nghiệm sâu sắc tình yêu của Chúa. Ông hoàn toàn trung thành với Chúa. Khi gian nan. Khi đối đầu với sự dữ, Gioan vẫn trung kiên, vẫn theo Chúa cho đến cùng. Xin giúp chúng con được cảm nghiệm tình yêu Chúa dành cho chúng con như Gioan đã cảm nghiệm. Xin giúp chúng con biết sống kết hợp với Chúa một cách mật thiết, khăng khít để chúng con chỉ còn biết sống cho Chúa mà thôi!
Lạy Chúa, giữa cuộc đời đầy sóng gió nguy nan xin cho chúng con luôn trung thành với Chúa. Giữa cuộc đời luôn thăng trầm nổi trôi, xin cho chúng con biết tín thác vào Chúa. Xin giúp chúng con biết tựa sát cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa để Chúa luôn là thuẫn đỡ, là thành luỹ che chở cuộc đời chúng con.
Lạy Chúa, xin biến đổi những tâm tình của con để lòng con mỗi ngày trong trắng và yêu Chúa khăng khít hơn, trong mọi hành động cũng như trong mọi thái độ của con. Xin cho con chỉ biết lấy tình yêu Chúa làm công lực và chỉ có ý Chúa và gương của Ngài là ý hướng con phải nhìn theo và bắt chước. Amen.




Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian. (Ga 16,33)





Thứ Hai sau Chúa Nhật VII Phục Sinh
Lời Chúa: 
Ga 16,29-33
29Các môn đệ Người thưa: "Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến." 31Đức Giêsu đáp: "Bây giờ anh em tin à? 32Này đến giờ và giờ ấy đã đến rồi, anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. 33Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian."

Suy niệm: 
Để sửa soạn cho ngày về trời, Giáo hội muốn nhắn nhủ con cái tới lòng tin vào Đấng đã sống kham khổ, đã chết, đã phục sinh và về Trời. Lòng tin đặt vào một Đấng vinh quang như thế là sự sống vững mạnh để đi tới cõi sống vĩnh cửu. Lòng tin là yếu tố quyết định sống và sống cho ra sống. Khi sống lại, Chúa Giêsu đã đặt giá trị cho đức tin là: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Không ai còn thấy được Ngài nhãn tiền nơi trần thế này nữa. Cho nên muốn được phúc của Chúa phải có lòng tin. Thánh kinh định nghĩa: “Tin là những sự chắc chắn về những sự vô hình” (Dt 1,11). Đức tin là sự trao mình hoàn toàn cho Thiên Chúa toàn năng. Đức tin không cho phép người ta dựa vào và đi tìm những gì gọi là khả giác nữa. Chúa nói: “đừng chạm vào ta, vì ta chưa về cùng Cha Ta” (Ga 20,17) là lời Chúa nhắn nhủ chị Madalena, và cả chúng ta hôm nay nữa. Nghĩa là bây giờ Chúa Phục sinh đã thuộc về một thế giới khác rồi. Nên chúng ta chỉ có thể ôm lấy Người trong đức tin. Nếu chúng ta cố tìm cho ra những dấu hiệu khả giác hữu hình sẽ bị Chúa phản đối khi Ngài nói “thế hệ cứng lòng tin này chỉ tìm những dấu lạ mà thôi” (Lc 11,29). Hãy coi Abraham, Tin là tín nhiệm vào Chúa, tin vào lời hứa tín thành để được một giòng dõi mặc dù ông đã già trăm tuổi và Sarah bạn ông là người son sẻ.
Đối với Giacaria, Tin là tín thác vào lời Sứ thần, mặc dù mọi sự xảy ra xem như ngược lại hẳn.
Đối với Maria, Tin là vững dạ vào lời Chúa sẽ làm cho sự trinh khiết của mình nên phong phú như bà Isave ca tụng “phúc cho em vì đã tin vào những lời Chúa thông báo. Và mọi thế hệ sẽ khen là em có phúc” (Lc 1,48). Đối với chúng ta tin là tin chắc chắn vào ơn cứu rỗi nơi đức Kitô. Chúa Kitô đã từng phàn nàn các tông đồ: “Hỡi những kẻ kém lòng tin” (Mt 8,26). Trong cơn bão táp cuống cuồng sắp sửa như vỡ thuyền, chết đuối, đáng lẽ họ phải tin rằng sức của họ ở ngay trong khoang thuyền, trong con người đang nằm ngủ trên thuyền kia. Chúng ta cũng cứ làm cho đời mình rối tơ vò như vậy. Nhưng cách giải quyết là ở đức tin. Bàn về đức tin, chúng ta được thánh Phaolô nhắc nhở rằng:
Đức tin cần phải được thử nghiệm ở từng cá nhân.
Một người có nhiều đức tin cũng vẫn bị thử thách.
Một trong những hình thức thử nghiệm đức tin là từ bỏ. Từ bỏ cả cái cao quí nhất cuộc đời là sự sống.
Nhiều khi đức tin đặt chúng ta vào những trường hợp hết sức nan giải.
Sự thử thách đức tin có khi liên can đến điều Chúa đã hứa trong quá khứ.
Thử thách xem có tin vào Chúa nữa không.
Có vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa: “Có thể làm cho sống lại hoặc ban cho” như Abraham dám đem con mình đi sát tế vì ông tin Thiên Chúa có thể làm cho sống lại hoặc ban cho ông một đứa con khác.
Tin vào sự sống lại đem đến một niềm hy vọng.
Sau thử thách là phần thưởng Chúa cho biết khi thử thách đức tin, có người bỏ cuộc. Nhớ lại Chúa Giêsu cũng bị thử thách khi các môn đệ bỏ rơi giữa cô đơn, sự chết (Mt 27,31) nhưng nhớ rằng Chúa Kitô đã vượt qua tới phục sinh và về trời.
Đức tin là con mắt thần, là sức mạnh vũ bão. Người có đức tin trông thấy những điều kẻ khác không thể thấy được, làm được những cái kẻ khác không thể làm được.
Khi đứng trước lưỡi gươm trần của tên đao phủ đang giơ lên cao, thánh Phêrô Vêon vẫn hiên ngang tuyên bố: “Tôi tin”. Khi miệng bị chém không thể nói được nữa, ngài vẫn bình tĩnh lấy ngón tay thấm máu đang chảy ràn rụa trên mặt và viết trên mặt đất, nơi ngài sắp gục ngã làm của lễ, hai chữ: tôi tin. Đúng như lời thánh kinh: “Sự chiến thắng của tôi chính là đức tin kiên vững.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa đã chiến thắng thế gian. Chúa còn hứa ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Đó là niềm vui và hạnh phúc cho chúng con. Vì từ nay chúng con có Chúa bảo vệ, nâng đỡ và chở che. Chúng con xin tín thác vào Chúa như con thơ nép mình trong cánh tay mẹ hiền. Xin cho chúng con luôn biết can đảm đối diện với thập giá trong cuộc đời. Xin đừng để chúng con vì nhút nhát, lười biếng mà trốn tránh bổn phận hằng ngày. Xin ban ơn trợ giúp để chúng con thắng vượt những cám dỗ tội lỗi và biết đứng lên làm lại cuộc đời sau những lần vấp ngã.
Lạy Chúa, xin củng cố đức tin còn yếu kém của chúng con bằng những ơn lành hồn xác, để mỗi ngày chúng con càng xác tín hơn về tình thương quan phòng của Chúa. Amen

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Thứ Sáu sau Chúa Nhật VI Phục Sinh
 
 
 
 
 
"Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. (Ga 16,20) "
 
 
 
 
Lời Chúa: 
Ga 16,20-23a
20Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 21Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. 22Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. 23Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. 
 
 
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, năm xưa Chúa đã nuôi dân riêng trên đường về đất hứa bằng bánh Manna từ trời, ngày nay trên hành trình về quê trời, Chúa đã ban cho chúng con Thánh thể Chúa làm thần lương dưỡng nuôi linh hồn chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Chúng con nguyện xin Chúa ban cho chúng con sự sống dồi dào của Chúa, để chúng con có thể trung tín với Chúa trong suốt cuộc đời chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn con đường khổ giá và hy sinh để tôn vinh Thiên Chúa Cha và cứu độ trần gian. Chúa đã dạy chúng con qua đau khổ mới tiến tới vinh quang. Xin cho chúng con biết dâng cho Chúa những hy sinh trong cuộc đời bác ái yêu thương mọi người. Xin Chúa cũng giúp chúng con biết từ bỏ những thói hư tật xấu để chúng con xứng đáng là con của Chúa. Xin giúp chúng con sẵn lòng vác thập giá bổn phận hằng ngày với niềm yêu mến Chúa nồng nàn và yêu mến tha nhân như chính mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống yêu mến tha nhân vì lòng yêu mến Chúa, để nhờ đó chúng con tìm thấy ý nghĩa đích thực cho những hy sinh của chúng con. Amen
Thứ Năm sau Chúa Nhật VI Phục Sinh
 
 
 
 
 
 
"Ít lâu nữa" nghĩa là gì? (Ga 16,18)
 
 
 
 
Lời Chúa: 
Ga 16,16-20
16"Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy." 17Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu hỏi nhau: "Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy" và "Thầy đến cùng Chúa Cha"? " 18Vậy các ông nói: "Ít lâu nữa" nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì! " 19Đức Giêsu biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: "Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy". 20Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nguồn vui, là nguồn hạnh phúc cuộc đời chúng con. Có Chúa chúng con sẽ quên hết ưu sầu. Có Chúa chúng con sẽ không còn sợ những nguy nan của dòng đời. Có Chúa chúng con sẽ quên đi những nhọc nhằn, những khốn khó của cuộc đời nổi trôi. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin Chúa lưu lại trong chúng con. Xin Chúa ở cùng chúng con luôn mãi để chúng con được sống trong tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa, cuộc đời hợp tan là lẽ thường tình. Cuộc đời có xum họp nên cũng có chia ly. Cuộc đời có vui, có buồn. Có gặp gỡ, có chia ly. Xin giúp chúng con đừng đánh mất niềm hy vọng trước những khổ đau của dòng đời. Xin giúp chúng con biết xây dựng đời mình trên đức tin kiên vững để chúng không buông xuôi, không thất vọng, nhưng luôn vững lòng cậy trông vào Chúa. Xin cho chúng con luôn chạy đến với Chúa khi gặp gian nan. Xin giúp chúng con luôn bám vào Chúa trước những sóng gió tư bề. Xin cho chúng con được tín thác vào Chúa như con thơ an vui trong sự chăm sóc của cha mẹ.

Lạy Chúa, xin Chúa lưu lại trong chúng con để chia sẻ với chúng con trong những thăng trầm của dòng đời. Xin Chúa ở cùng chúng con luôn mãi. Xin gìn giữ chúng con trong ân thánh của Ngài. Amen