Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011







Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. (Ga 14,27)












Giuse Đinh Văn Thanh –  bài tập viết tin cuối khóa, đăng ngày 23/05/2011
MÁI ẤM HOA HUỆ: GẶP GỠ TRONG YÊU THƯƠNG
Buổi gặp gỡ giao lưu của các em mái ấm Hoa Huệ với các em mái ấm Đaminh diễn ra tối ngày 28/04/2011 tại mái ấm Đaminh, quận 12 (tp. HCM). Lần đầu tiên, các em trong hai mái ấm gặp gỡ nhau, cùng ăn uống vui chơi, sinh hoạt chung với nhau, giúp các em hiểu biết nhau hơn.
Đến tham dự buổi gặp gỡ này có cha Giuse Nguyễn Quang Huy dòng Đaminh, thầy Gioan Baotixita  Nguyễn Ngọc Thăng dòng Đức Mẹ Lên Trời. Sự có mặt đông đủ của 28 em, các thầy phụ trách  các em trong 2 mái ấm trên. Ngoài ra còn có sự tham gia của các anh chị trong nhóm Nụ Cười.
Các em cùng tham dự thánh lễ chiều lúc 18h00, do cha Nguyễn Quang Huy chủ tế, tại nhà nguyện. Sau thánh lễ các em cùng nhau ăn bữa tối với món bún bò, tiếp đến các em tham gia vui chơi có thưởng với các trò chơi, màn ảo thuật, lôtô trúng thưởng với rất nhiều phần quà hấp dẫn từ các anh chị tổ chức.
Buổi gặp mặt do các anh chị trong nhóm Nụ Cười tổ chức, mừng Chúa Phục Sinh. Nhóm do các anh chị Công giáo thành lập và hoạt động từ thiện được hơn 2 tháng nay.
Được biết, đây là các mái ấm nam, do 2 dòng tu phụ trách, các em đều có hoàn cảnh khó khăn hay mồi côi cha mẹ. Mái ấm Hoa Huệ có 17 em, tuổi từ 8 đến 18 tuổi và đang theo học ở các trường học công lập, do dòng Đức Mẹ Lên Trời thành lập năm 2000 và hoạt động cho đến nay. Mái ấm Đaminh hiện đang nuôi dưỡng 11 em nhỏ ( chủ yếu từ 3 tuổi đến 10 tuổi), các em sinh hoạt chủ yếu ở mái ấm, một số em học tại các trường mầm non và tiểu học, do dòng Đaminh thành lập 03/2010.
Buổi giao lưu kết thúc vào 21h00 cùng ngày, các em có thêm nhiều niềm vui tiếng cười sau ngày học căng thẳng. Là cơ hội để các em tiếp xúc, tìm hiểu sinh hoạt thường ngày của những bạn có hoàn cảnh giống mình, giúp các em biết sống chia sẻ, yêu thương hơn trong cuộc sống.



Thứ Ba sau Chúa Nhật V Phục Sinh
Lời Chúa: 
Ga 14,27-31a
27Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. 30Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.


Suy niệm: 
Bình an của Chúa Giêsu mang đến không phải là thứ bình an mà thế gian ban tặng. Bình an của thế gian thường chỉ là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thoả hiệp. Bình an của Chúa mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt đỏ: Nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả hy sinh mạng sống mình nữa. Bình an ấy chỉ có khi con người có thể thốt lên như Thánh Phaolô “Lương tâm tôi không trách tôi điều gì”
Còn gì quý hơn một cuộc sống mà tâm hồn luôn an bình thư thái. Bởi thế chúng ta có thể đề ra cho mình cả một chương trình sống mà mục tiêu là tạo dựng và gìn giữ bình an trong tâm hồn: Làm tất cả những gì có thể mang lại bình an cho mình và cho anh chị em. Tránh gây ra xung đột, va chạm. Tìm cách giải hóa và hòa giải các mầm mống có thể gây bất an. Nhất là tránh tội lỗi là thứ làm xáo trộn mình nhiều nhất.
Một lần được phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêsa trực diện với một kẻ hỏi cắc cớ: “Bà yêu thương người nghèo điều đó rất tốt. Nhưng còn biết bao nhiêu người giàu có của Vatican và Giáo hội thì sao?” Mẹ nhìn thẳng vào người phỏng vấn và nói: “Thưa ông, ông không phải là người hạnh phúc. Có những điều đang xâu xé ông. Ông không có một chút bình an trong lòng”. Lời đó làm ông xụ mặt, và Mẹ tiếp tục khiến ông thêm quặn đau: “Ông nên có niềm tin tưởng”.
- Làm thế nào tôi có được niềm tin?
- Ông nên cầu nguyện.
- Nhưng tôi không thể cầu nguyện.
- Tôi sẽ giúp ông. Nhưng phần ông, ông nên cho những người xung quanh nụ cười. Một nụ cười làm ông gần những người khác. Nó mang sự thật về Thiên Chúa vào cuộc sống của chúng ta.

Bình an của Chúa Cha không phải là một thứ an tâm trong cám dỗ và thiếu xót, không phải là tránh lương tâm dưới áp lực của tội lỗi và tật xấu, không phải là đầu hàng để sống sai trái và bất công. Song bình an của Chúa là niềm hân hoan, vì tâm hồn được hòa giải với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Dù có đau khổ trong tinh thần hay thân xác, cả những lo âu trăn trở thì những đau khổ, những lo âu ấy cũng được chấp nhận chia sẻ, và nó có một giá trị với những đau khổ của Chúa, như một chia sẻ với những khó khăn và thử thách với người mình yêu thương.
Để được hưởng sự bình an ấy, chúng ta cần sống hoà giải với Chúa, với tha nhân và với chính mình, nghĩa là không để tội lỗi làm mình bất nhân, bất nghĩa với Chúa, không để lòng mình để những khuấy động sôi sục vì những ghen ghét, vì những bon chen ước muốn quyền lực, danh vọng... Chúa ban bình an cho chúng ta là để chúng ta mang bình an cho tha nhân, để chúng ta trở thành dụng cụ bình an của Chúa với người khác.
Như vậy, bình an của Chúa Giêsu nói đây là một lời trăn trối cuối cùng của Ngài, khi Ngài sắp ra đi chịu chết, và cũng là bình an của sự vui khi Ngài sống lại. Bình an đó là điều quan trọng, vì đó là ơn của Chúa Thánh Thần ban, nó chính là hạnh phúc thật mà chúng ta đang tìm. Bình an đó Thiên Chúa còn muốn cho mọi người, cho mọi quốc gia trên thế giới đều được hưởng mà chúng ta gọi là “hòa bình”.
Cầu nguyên:
Lạy Chúa, có nhiều lần con tự trấn an mình bằng những gì mình có, con chiếm hữu và lo giữ lấy. Trước bạn bè, con giả vờ như rất an tâm giữa những tiếng ồn ào, huyên náo; nhưng thật sâu bên trong lại chẳng an tâm. Xin ban cho con bình an của Chúa, thứ bình an mà không đau khổ nào có thể chạm tới, bình an của một tâm hồn luôn sống trong sự thật.